Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - sự lựa chọn đúng đắn của Đảng trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
(Baothanhhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, GS.TS Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là công trình nghiên cứu hết sức công phu, thể hiện sự tâm huyết, sự sắc bén về một vấn đề có nội dung rất rộng lớn, phong phú, không chỉ có giá trị về lý luận mà còn có giá trị thực tiễn hết sức quan trọng về CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp đặc điểm cụ thể ở Việt Nam.
Trong bài viết này, với cách nhìn tổng thể, toàn diện và đa chiều, một mặt Tổng Bí thư chỉ rõ những giá trị đích thực, những thành tố phản ánh bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi; mặt khác, cũng khẳng định nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề, nên quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời chỉ ra các luận điểm, cách thức để đạt mục tiêu, đặc biệt là luận điểm về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Như chúng ta đều biết, theo nghĩa chung nhất, kinh tế thị trường là nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường, nó được ra đời trên cơ sở một nền kinh tế hàng hoá phát triển ở trình độ cao. Trong lịch sử, các mô hình kinh tế nhân loại đã trải qua thì kinh tế thị trường là mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả nhất, chuyển nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn nhanh nhất. Vì vậy hiện nay kinh tế thị trường đã trở thành mô hình kinh tế phổ quát ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, với mỗi nước khác nhau, do điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội không giống nhau nên mô hình kinh tế thị trường cụ thể cũng có sự khác biệt.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế thị trường được Đảng ta xây dựng và phát triển là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là mô hình kinh tế thị trường chưa hề có trong tiền lệ. Trải qua quá trình đổi mới, kể từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, tư duy, nhận thức về mô hình kinh tế này của Đảng ta ngày càng sáng rõ, hoàn thiện và phát triển.
Nếu tại Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng ta bắt đầu thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế từ tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; thì đến năm 2001, trên cơ sở tổng kết, đánh giá và rút ra các bài học lớn qua các kỳ Đại hội VI, VII và VIII, Đại hội Đảng lần thứ IX khẳng định chủ trương xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xem đó là mô hình kinh tế tổng quát ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và xác định đây là “nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội X, XI, XII và XIII của Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, phát triển, làm rõ nội hàm của nền kinh tế này và đi đến khẳng định kinh tế thị trường định hướng XHCN “là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”[1]. Đồng thời, chỉ rõ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngoài những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường nói chung, còn có những đặc trưng riêng mang tính đặc thù thể hiện tính định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bởi vậy trong bài viết, Tổng Bí thư khẳng định việc đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới, chỉ rõ đây là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ). Hơn thế, Tổng Bí thư nhấn mạnh một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng và cũng là một yêu cầu có tính nguyên tắc để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa đó là “phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” và “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Điều này giúp chúng ta nhận thức rõ hơn sự khác biệt và tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với nền kinh tế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa.
Bài viết, cũng nhấn mạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử với nhiều dấu ấn nổi bật mà nước ta đã đạt được trên tất cả các phương diện. Thực tế đã chứng minh, sau 35 năm đổi mới, việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo và kém phát triển; kinh tế vĩ mô, chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, được đông đảo các nước trên thế giới ghi nhận.
Có thể khẳng định rằng, luận điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Tổng Bí thư không chỉ tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn là vũ khí lý luận sắc bén để chúng ta đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái của thế lực thù địch cho rằng “kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản” hoặc “việc Việt Nam chuyển sang phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc Việt Nam đã từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”. Mà trái lại, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn hết sức đúng đắn, thể hiện sự sáng tạo của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới, là cách thức giúp nước ta đi tới mục tiêu của chủ nghĩa xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Dương Thị Bảo Anh (Trường Chính trị tỉnh)
- Trao học bổng Quỹ Thiện Tâm cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp
- Phát huy truyền thống Chiến khu Du kích Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - sự lựa chọn đúng đắn của Đảng trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025
- Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021: Bầu các chức danh chủ chốt HĐND tỉnh và UBND tỉnh
- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiến hành bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025
- Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Tọa đàm kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Nâng cao hiệu quả tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm trong đoàn viên thanh niên