Song song với phát triển kinh tế, Thanh Hóa ưu tiên nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn, tập trung vào 7 hạng mục là giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế xã, chợ và nước sinh hoạt. Thông qua chương trình 135, chỉ trong 2 năm 1999-2000, Thanh Hóa đã xây dựng được 94 công trình cơ sở hạ tầng ở 84 xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 43,55 tỷ đồng. Chương trình trung tâm cụm xã từ năm 1997-2000 đã xây dựng được 15 cụm với 60 hạng mục công trình như lớp học bán trú, phòng khám bệnh đa khoa, chợ trung tâm, đường giao thông…
Những năm về sau, Thanh Hóa tiếp tục ban hành nhiều chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời lồng ghép hiệu quả một số chính sách của Trung ương để kích cầu phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp. Mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội với nhiều công trình, dự án quy mô lớn như đường nối các huyện miền núi phía Tây của tỉnh; đường giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát); đường Hồi Xuân – Tén Tằn; các tuyến Quốc lộ 217, 47...; nhiều nhà máy thủy điện như Trung Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2 đi vào vận hành đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đưa các huyện miền Tây xứ Thanh “bứt phá” đi lên và gặt hái được nhiều “quả ngọt” như ngày nay.
“Khi còn giữ chức vụ Tổng Bí thư, trong bộn bề công việc của đất nước nhưng bác vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với quê Thanh. Làm thế nào để đưa Thanh Hóa phát triển luôn là điều bác trăn trở. Với tầm nhìn xa trông rộng, hiểu rõ vị thế chiến lược của xứ Thanh, qua những lần về thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ cán bộ tỉnh nhà, nguyên Tổng Bí thư đã định hướng cụ thể rằng: Thanh Hóa phải tìm ra hướng phát triển các ngành công nghiệp và đưa công nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế”, đồng chí Trịnh Trọng Quyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết.
Đáp lại sự quan tâm, chỉ dạy của nguyên Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng công tác định hướng và hình thành các vùng công nghiệp động lực. Đồng chí Trịnh Trọng Quyền nhớ lại: “Từ nền tảng là Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (nay là Công ty CP Xi măng Vecem Bỉm Sơn), các cấp, các ngành đã từng bước xác định kế hoạch chi tiết để xây dựng kế hoạch đầu tư. Nhiều cơ sở công nghiệp đã được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động như Nhà máy xi măng Nghi Sơn, nhà máy đường liên doanh Việt Nam – Đài Loan, nhà máy đường số 2 Lam Sơn, nhà máy đường Nông Cống… Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Lễ Môn nên đã kêu gọi, thu hút được nhiều dự án đầu tư, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển”.
Đến năm 2000, diện mạo công nghiệp Thanh Hóa có bước thay đổi đáng phấn khởi. Sản xuất công nghiệp đạt 3.788 tỷ đồng, bằng 135,1% kế hoạch. Đây là tiền đề, là nền tảng quan trọng, tạo đà cho công nghiệp Thanh Hóa “cất cánh” những năm sau đó và “bứt phá” vượt trội những năm gần đây. Từ một tỉnh nghèo, Thanh Hóa đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành địa phương có quy mô và tốc độ phát triển công nghiệp đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, trong đó chỉ số phát triển công nghiệp luôn ở mức cao của cả nước. Tạo sức bật, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của tỉnh là Khu Kinh tế Nghi Sơn với điểm nhấn Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn. Đến nay Khu Kinh tế Nghi Sơn đã cơ bản trở thành khu đô thị công nghiệp mang vóc dáng hiện đại, tạo nên động lực thúc đẩy kinh tế cho cả vùng Bắc Trung bộ.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đại biểu dự lễ khởi công
Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: Trần Đàm)
“Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn chỉ rõ rằng muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, trong đó cần ưu tiên xây dựng những cây cầu chiến lược”, đồng chí Trịnh Trọng Quyền cho biết thêm khi chia sẻ với chúng tôi về gợi mở định hướng phát triển Thanh Hóa của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Bằng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, những công trình mang tầm vóc thời đại đã được đầu tư xây dựng. Điểm nhấn là cây cầu Hoàng Long nối đôi bờ sông Mã được khánh thành năm 2000. Đây là sự kiện lớn của tỉnh lúc bấy giờ. Sự ra đời của cây cầu quan trọng này đã giảm tải cho cầu Hàm Rồng – cây cầu lịch sử khi ấy đã xuống cấp và chưa được sửa chữa. Cùng với cầu Hoàng Long, nhiều cây cầu lớn như cầu Lèn, cầu Thiệu Hóa, cầu Kiểu, cầu Hồi Xuân được khởi công xây dựng. Các tuyến Quốc lộ 1A, 45, 47, 217, các trục đường giao thông Bắc – Nam, Đông – Tây được nâng cấp, mở rộng… Những công trình này đến nay vẫn là nền tảng hạ tầng vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Tiếp nối những công trình ấy, trong giai đoạn 2011-2019, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Thanh Hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ bao gồm cả đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không. Trong đó tập trung vào các công trình có tính lan tỏa lớn, kết nối các vùng kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, các cửa khẩu, các khu đô thị…
Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cho biết: Khi không còn giữ trọng trách của Đảng nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn luôn quan tâm, dõi theo hành trình phát triển của quê hương Thanh Hóa. Nguyên Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng khi Thanh Hóa biết tranh thủ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để xây dựng tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh; các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh luôn biết tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong tư duy, quyết liệt trong hành động, tạo ra thế và lực mới để Thanh Hóa tăng tốc đầy ấn tượng.
Một góc TP Thanh Hóa hôm nay. (Ảnh: Phạm Nam)
Khát vọng xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, thịnh vượng, “một tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn đã và đang được thực hiện khi đường hướng phát triển Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ: Phát triển để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng của “Tứ giác” kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa, một trục trung tâm y tế, văn hóa, thể dục, thể thao của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung bộ, Bắc bộ và cả nước.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào cả nước, đặc biệt là đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Thanh Hóa. Quê hương xứ Thanh từ nay sẽ vắng bóng người con thân yêu, sẽ không còn được đón đợi một người con ưu tú từ nơi xa trở về. Dù nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không còn nữa nhưng cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc cùng tình cảm, sự quan tâm của đồng chí dành cho quê hương sẽ mãi là điểm tựa, là nguồn động viên tinh thần và là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thanh Hóa không ngừng nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn : Báo Thanh Hóa